Là kỹ sư có 30 năm công tác tại trường đại học Stanford danh giá nhất nước Mỹ và những công ty đi đầu về công nghệ như Thermo Scientific, Agilent Technologies, tham gia phát minh ra một số khía cạnh của công nghệ khối phổ hiện đại… ông Henry Bùi (Tổng Giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ) lại quyết định từ bỏ tất cả, trở về Việt Nam với một lý do: Giúp người Việt được ăn sạch.
Sau 16 năm thành hình, Hoàn Vũ đang kiểm định 50.000 tấn mật ong/năm xuất khẩu sang Mỹ, hơn 3.000 lô thanh long đi các thị trường, trong đó có 2.700 lô thanh long/năm vào EU.
Ngoài thị trường trong nước, ông Henry Bùi còn nhận được yêu cầu xác thực hàng hóa khác trước khi xuất khẩu từ các quốc gia Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Argentina, Ấn Độ...
Ít ai biết, để đạt thành công trên, người đàn ông Mỹ gốc Việt đã trải qua muôn vàn khó khăn.
Đầu tháng 9, phóng viên Dân trí đã có cuộc gặp gỡ với ông Henry Bùi. Một buổi phỏng vấn đặc biệt được diễn ra giữa phòng lab, khi những chỉ số và thông tin xuất khẩu chanh dây Việt Nam tiếp tục được truyền tới châu Âu.
Chào ông! Người Việt vẫn luôn nói Mỹ là một thị trường khó tính hàng đầu trên thế giới. Ở góc độ một chuyên gia chuyên gia phòng lab thẩm định chất lượng nông sản đi Mỹ, ông nghĩ đó là thị trường dễ hay khó?
- Ối giời ơi! Thực tế, Mỹ, châu Âu mới là các quốc gia rất dễ tính.
Họ tôn trọng người bán, đơn hàng và những doanh nghiệp làm xuất khẩu mặt hàng muốn vào quốc gia của họ. Chỉ cần chúng ta cho biết mục đích sử dụng, thông số rõ ràng thì hoàn toàn đơn giản.
Vấn đề là chúng ta có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ không thôi.
Trước đây, nhiều nông sản của Việt Nam khi xuất sang nước ngoài vẫn gặp tình trạng bị cảnh báo. Ông nghĩ sao về điều này?
- Cái khó hiện tại chính là một số người Việt còn mập mờ trong độ trung thực.
Nếu ban đầu châu Âu họ chỉ kiểm tra ở mức độ ít, 5% hay 10% thì mình dễ dàng trót lọt và có thể giúp cả ngành được thông qua. Nhưng đến khi quốc gia chúng ta xuất vào số lượng nhiều, châu Âu nâng mức kiểm tra lên 50% rồi 60%, phát hiện ra tạp chất là họ liền cấm nguyên một ngành.
Bạn phải hiểu, Việt Nam cũng vậy. Rác nhà mình làm sao có thể tự tiện mang vứt trước cửa nhà người khác được? Vào châu Âu dễ nhưng hàng rào kỹ thuật của họ cực kì cao, vượt qua hay không lại là câu chuyện khác.
Vì vậy, cuối năm 2018, khi phát hiện tạp chất trên trái thanh long lớn, châu Âu đã ban hành lệnh cấm với Việt Nam và tạo nên cuộc khủng hoảng ngay lập tức.
Quá trình kiểm duyệt lại diễn ra trong 4 ngày, nếu không chuẩn bị đủ giấy tờ thì chi phí doanh nghiệp mang về Việt Nam độn lên sẽ khiến họ rơi vào bờ vực phá sản.
Thời điểm ấy, vô vàn khách hàng đã tìm đến chúng tôi. Họ không cần biết chúng tôi kiểm tra có đúng hay không, chỉ không đạt thì lập tức yêu cầu kiểm tra lại.
Thậm chí có đối tác mang mẫu thanh long qua kiểm định 5 lần thì trượt cả 5. Đến lần thứ 6, để được xuất hàng, họ sẵn sàng đề nghị với tôi "xin được hỗ trợ chi phí".
Trước tình huống đó, ông đã ứng xử ra sao?
-"Em muốn dễ thì qua chỗ khác" - tôi đáp.
Có trường hợp phát hiện chủ doanh nghiệp sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu, tôi đã gọi thẳng: "Em làm vậy là em đang giết cả một ngành nông nghiệp".
Mình xuất khẩu là xuất cho hàng nghìn lô, cho con đường đi lâu dài của cả Việt Nam, chứ đâu phải một lần rồi thôi!
Tôi cam kết nếu chúng tôi thông qua thì hoàn toàn có thể vào được các quốc gia trên thế giới.
Nhưng Hoàn Vũ sai đã đành, còn trong trường hợp các bạn pha trộn không đúng, dẫn đến kết quả không đạt thì tôi không có cách nào cứu được. Tôi không muốn làm khó ai, tôi chỉ muốn giúp họ mà hàng kém chất lượng thì làm sao cho phép qua được?
Suốt một tuần sau đó, cả phòng lab chúng tôi đã giải quyết nhanh gọn các vấn đề pháp lý, gửi đầy đủ hồ sơ sang châu Âu cho các doanh nghiệp làm chuẩn. Chúng tôi đã xem xét đến từng thùng hàng nhằm kiểm tra độ an toàn thực phẩm.
Đến ngày thứ 8, thông tin từ châu Âu báo về, thanh long Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu, cả phòng lab ôm nhau mừng đến bật khóc.
Bởi bạn biết sao không? Vì những số liệu chúng tôi đưa ra chính xác đến tận 5 số sau dấu phẩy và hoàn toàn trùng khớp với những gì châu Âu kiểm tra lại.
Sự chuẩn xác đến từng con số nhỏ nhất ấy có ý nghĩa như thế nào trong con đường mở cổng cho nông sản Việt ra nước ngoài, thưa ông?
- "Tỷ lệ xuất hàng đạt bao nhiêu % thì các em vui" - lần đầu tiên khi trở về Việt Nam, tôi cũng đã hỏi các bạn kỹ sư như vậy.
"95%", các em đồng thanh trả lời.
"95% là chúng ta thua rồi" - tôi trả lời trong sự ngơ ngác của tất cả.
Bạn thử tính toán, 100 đơn hàng mà theo chỉ số 95% thì sẽ có 5 đơn rớt. Cứ thế nhân lên cho số lượng 50.000 tấn mà Hoàn Vũ làm mỗi lần thì sẽ là bao nhiêu, và nhân lên cả ngành nông nghiệp Việt Nam thì như thế nào?
Mỗi năm mình xuất đi 200 lô hàng mà 6,7 lô hàng không đạt là hiệp hội đã cấm, doanh nghiệp lỗ rồi. Hơn thế nữa, quá trình nhập về lại Việt Nam khiến chi phí đôn lên gấp trăm lần. Vì vậy, nói chuyện 95% đạt thì đồng nghĩa với phá sản.
Đối với tôi, mỗi đơn hàng xuất đi luôn phải đạt 100% hoặc ít nhất là 99,99%. Con số đó là doanh nghiệp đòi hỏi mình và cũng chính bản thân mình tự tạo áp lực.
Công ty của ông đã bao giờ rơi vào trường hợp 0,01% sai sót còn lại chưa?
-Có chứ! Đó là một bài học vô cùng đau đớn!
Năm 2020 chúng tôi mở đường cho mật ong Việt Nam gửi sang Mỹ và Anh. Trong quá trình xét nghiệm để xem xét tiêu chuẩn, chúng tôi đã trải qua vô vàn dây chuyền lọc, quan sát filter.
Thế nhưng, khi sản phẩm đặt chân tới Mỹ, Anh thì ngay lập tức bị cảnh cáo, trả về.
Suốt tuần đó, tôi mất ăn mất ngủ, bởi đơn hàng của Hoàn Vũ đã qua nhiều quốc gia và chưa bao giờ mắc sai sót nên nó gần như là một sự khủng hoảng.
Tôi đã ngồi với các đối tác nước ngoài nhằm tìm lý do. Nguyên hệ thống các kỹ sư Việt Nam đều nhảy vô làm việc trở lại từ đầu, trích xuất hàng vạn thông số để tìm câu trả lời. Hơn thế nữa, chúng tôi còn đứng ra cam kết chịu một phần thiệt hại và trách nhiệm đền bù.
Mãi đến khi truy xuất về nguồn gốc và biết mẫu filter lọc được nhập về đã nhiễm khuẩn từ đầu, nó chìm xuống dưới khiến mọi người không phát hiện. Lúc đó, tất cả mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng đúng trong cả nguy vẫn sẵn cơ, chính thái độ làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc ấy mà Mỹ đã đánh giá rất cao năng lực phòng lab của Việt Nam.
Sự trong cơ có nguy đó là gì?
-Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa sai sót dù là một con số đối với kết quả đối chiếu tại phòng lab Mỹ. Điều đó giúp chúng tôi trở thành phòng lap có đủ cơ sở để cấp duyệt xét mật ong vào Mỹ.
Thậm chí, khoảng năm 2019-2020, thông tin mật ong có thể làm giả và không thể phát hiện ra khiến châu Âu nhảy dựng cả lên.
May mắn chúng tôi thời điểm đó cùng với Đức là những đơn vị duy nhất đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc bên trong các dịch thành phần. Chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng các "dấu ấn đường - sugar maker", chính xác đến 5 con số lẻ, tách ra được hơn 3.000 chất khác nhau. Đây là lý do giúp các kết quả phân tích mật ong của chúng tôi được các thị trường khó tính chấp nhận.
Niềm tin vào nông sản Việt Nam đó có phải lý do mà 17 năm trước ông quyết định từ bỏ tất cả để trở về?
- Năm 2006, tôi tình cờ đọc được bài báo: "Nước đục trong thành phố" đăng trên một tờ báo. Lúc đó, sự băn khoăn tại sao quê hương mình đâu đó vẫn còn cảnh uống nước đục, ăn thực phẩm chưa sạch mãi thôi thúc tôi.
Suốt những năm đầu, tôi đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để xây dựng phòng lab, giảng dạy cho các em kỹ sư chương trình về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu có ai đó đã giúp Việt Nam về vấn đề trên thì có lẽ đã không có tôi hôm nay. Còn nếu chưa thì tôi sẽ trở về.
Thời điểm mới trở về, ông chứng kiến bức tranh nông nghiệp Việt Nam như thế nào?
- Ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mình sở hữu tiềm năng rất lớn khi khí hậu ưu đãi, vùng tài nguyên rộng lớn, điều đó được khẳng định khi đã có hàng trăm doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất nông sản ra quốc tế. Thế nhưng, nó vẫn tồn tại nhiều cái khó.
Thứ nhất, sản xuất của chúng ta còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa sử hữu quy mô nông nghiệp lớn nên khó kiểm soát, quản lý.
Thứ hai, nhận thức của nông dân còn thiếu, nhiều khi vì lợi trước mắt mà hại chính mình.
Thứ 3, về an toàn thực phẩm, chúng ta đang thiếu đi sự hướng dẫn cho nông dân. Nhiều khi họ xịt thuốc vô tội vạ mà không rõ nguồn gốc, muốn cây phát triển mà sử dụng đủ loại hóa chất.
Thứ 4, bản thân quốc gia vẫn còn thiếu thị trường cho các sản phẩm, điều này tạo ra rất nhiều hệ lụy cho quy trình xuất khẩu.
Trong suốt 16 năm qua, ngoài "gác cổng" cho nông sản sang các thị trường khó tính, ông đã làm gì để giúp đỡ con đường nông nghiệp sạch Việt Nam?
-Thú thật, cái băn khoăn làm sao cho người Việt ăn sạch vẫn đang nhắc nhở tôi hàng ngày.
Bởi tôi là người nước ngoài, đã chứng kiến hàng rào kỹ thuật khó nhằn của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy chúng ta đừng nghĩ việc đem rác của mình sang đất nước họ hoặc cho phép mình tiếp tục sử dụng.
Tôi đang cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đây là một dự án nông nghiệp lớn mà đúng nghĩa chỉ 3 quốc gia là Mỹ, Australia, Thụy Sĩ đã sở hữu sản phẩm nhưng rất đắt đỏ.
Riêng con đường này, chúng tôi vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Cuối cùng, ông còn tâm nguyện nào cho con đường phụng sự Việt Nam?
- Chúng tôi là 1 đơn vị lớn, sở hữu phòng lab tầm cỡ tại Đông Nam Á, thế nhưng chúng tôi chỉ mới sử dụng được 1/4 công sức.
Tôi mong muốn trong tương lai, đây sẽ là địa chỉ của những doanh nghiệp cần kết quả chính xác, và là nơi duy nhất cho kết quả chính xác đến từng con số để không chỉ nông sản mà chúng ta còn mở đường cho cả sản phẩm mang danh tiếng Việt Nam như bột đường mật ong, dịch chanh dây, dịch khóm, mía…
Ngoài ra, tôi vẫn tâm niệm, nếu tôi đã được chọn để trở về Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này, thì trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời, tôi sẽ tạo ra một thế hệ chung tay cho sự phát triển ngành an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và bằng chứng là hàng chục kỹ sư mà bạn thấy đang hăng say làm việc tại phòng lab này, trong ngày hôm nay… (cười).
Nội dung: Huy Hậu
Thiết kế: Minh Ngọc
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nội dung: Huy Hậu
Thiết kế: Minh Ngọc
18/10/2023 - 06:11