Gặp người bảo chứng cho nông sản Việt thẳng tiến EU

Tôi nghe về Henry nhiều lần khi trò chuyện với các chủ doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đoạn trường kiểm nghiệm, thông quan, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc... trên đường xuất khẩu, “nhân vật” Henry hay xuất hiện với đúng một “vai” là: “kiểm thử, cấp tấm vé thông hành để hàng Việt xuất cảng, đi vào các thị trường khó tính”. 

Giới truyền thông về nông sản, thương mại quốc tế nhắc đến Henry Bui như một cái tên “quyền lực”, một người gác cửa, bảo chứng cho nông sản Việt trước những thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Lúc gặp nhau lần đầu, Henry xuất hiện giữa trung tâm thí nghiệm Hoàn Vũ, trong phòng lab dày đặc máy móc. Hàng chục kỹ thuật viên mặc áo blue, chăm chú vào các màn hình đang nhảy múa các con số. 

Không thể hình dung ngoài kia là đường phố Sài Gòn. Cái chú tâm và khẩn trương của một “cỗ máy” thực hành khoa học khiến người ta thấy như đang lạc vào một thành phố tiên tiến bậc nhất thế giới. 

Đây chính là một trong các phòng lab trong Trung tâm Kiểm định Hoàn Vũ - nơi phân tích kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới - do Henry Bui sáng lập. Nơi này đã trở thành 1 trong 4 Trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu thế giới về mật ong (3 trung tâm còn lại ở Đức).

Đó, cũng là cách Henry “trở về Việt Nam”, sau nhiều thập niên sống và làm việc ở Mỹ với tư cách một nhà khoa học đầu ngành về kiểm thử hàng hóa.

 

 

Trong lúc tôi đang ngơ ngác, chính ông đã mở lời.

Henry Bui (Giám đốc Trung tâm Kiểm định Hoàn Vũ): Tôi hẹn ở đây để cô nhìn cơ sở làm việc của Hoàn Vũ. Điều này nếu không thấy thì cũng khó hình dung. 

Làm khoa học kiểm định, máy móc công nghệ rất quan trọng. Dù có khát vọng, có năng lực mà không có máy móc tương ứng thì dự định cũng không thành.

Phóng viên: Quả thực là rất khó hình dung. Hoàn Vũ đã “hoành tráng” như vậy từ bao giờ, thưa anh?

Henry Bui: Từ lúc quay về Việt Nam để tham gia vào công việc này, tôi đã chủ ý đầu tư vào công nghệ. Ở Mỹ, tôi đã chứng kiến được sức mạnh của công nghệ trong việc kiểm nghiệm. 

Tất cả các quốc gia khi chuyển sang giai đoạn phát triển, quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đều tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ để chủ động việc kiểm nghiệm. Tôi từng được cử sang Trung Quốc vào những năm chín mấy để chuyển giao công nghệ khối phổ đầu tiên vào nước này. 

Và trong những bước chân đầu tiên của Hoàn Vũ ở Việt Nam, thôi thúc về công nghệ đã rất rõ rệt. Ví dụ, trước khi các doanh nghiệp (DN) trong ngành đề nghị Hoàn Vũ làm kiểm nghiệm mật ong vào năm 2014, thì mật ong của ta phải gửi sang Đức để kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu. 

Thời gian kiểm nghiệm mất từ 2 tuần, chi phí thì đắt đỏ; DN rất bị động, thiệt thòi. Mà tại sao phải gửi sang Đức? Vì chỉ có họ mới có công nghệ và uy tín để cho ra kết quả kiểm nghiệm phù hợp với các thị trường khó tính. Uy tín là cái cần gầy dựng dần dần. Nhưng công nghệ là điều bắt buộc phải đầu tư nếu muốn tham gia vào thị trường này.

Tôi khá ấn tượng về câu chuyện đã đưa anh về Việt Nam. Còn nhớ anh chia sẻ rằng, vào tầm năm 2006, anh đã đọc một bài báo về tình trạng ô nhiễm nước TP.HCM khi đang sống ở Mỹ và… “đứng ngồi không yên”. 

Từ đó, anh quyết tâm quay về mở một trung tâm chuyên kiểm thử an toàn thực phẩm và nguồn nước. Đó có phải là khát vọng đã sinh ra Hoàn Vũ không, thưa anh?

Đúng vậy, và giai đoạn đầu Hoàn Vũ chỉ chuyên lo về an toàn thực phẩm trong nước. Rồi khi thị trường cần, chính các doanh nghiệp có nhu cầu kiểm nghiệm lại đề nghị tôi phát triển mảng này. 

Việc kiểm nghiệm hàng hóa là công việc hàng ngày của tôi ở Mỹ, tôi đã quá kinh nghiệm, lại thấy người Việt mình cần thì tôi sẵn sàng tham gia để hỗ trợ. Nhưng không ngờ các bạn lại nhớ đến tôi với câu chuyện “giúp người Việt ăn sạch”. (Cười)

Năm 2018, các nước EU phát hiện lượng lớn tạp chất trên trái thanh long Việt Nam và đã ban lệnh cấm, không cho thanh long Việt Nam nhập khẩu vào cộng đồng EU. Và chính Hoàn Vũ đã tham gia, giúp gỡ lệnh cấm trong vòng 5 ngày, đưa thanh long Việt Nam quay lại với thị trường khó tính này. Chuyện này nổi tiếng vì nó… “ngầu”. 

Anh cũng từng trả lời báo chí về sự kiện này, nhưng chưa nghe anh lý giải là Hoàn Vũ đã làm gì để khiến một thị trường khó tính như thế lung lay?

Góc nhìn này khá hay, nó hóa giải một “hiểu lầm” kinh điển của chúng ta về các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Thực ra, họ không khó tính. Ngược lại, họ cần hàng chất lượng nên rất cởi mở, rất thiện chí trong việc đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng để chúng ta đáp ứng. Chỉ cần ta làm đúng với những gì họ quy định thì sẽ được đón nhận.

Biến cố với thanh long Việt Nam hồi năm 2018 về bản chất là rất quen thuộc với cách làm của các DN ở ta trước nay. Theo nguyên tắc, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu thì mới được thông quan. Để đảm bảo việc này, các DN sẽ thực hiện kiểm nghiệm ở các đơn vị như Hoàn Vũ, có chứng nhận đạt tiêu chuẩn thì mới xuất cảng. 

Vậy, nếu việc kiểm nghiệm trong nước không nghiêm túc thì khi sang đến cảng đích, hải quan nước bạn sẽ trích mẫu kiểm tra lại, phát hiện vấn đề thì họ trả về. Nếu phát hiện một lượng lớn, hoặc liên tục, họ sẽ ban các lệnh cấm với mặt hàng đó của quốc gia đó.

Nhưng tâm lý của DN là muốn xuất khẩu dễ dàng, nên thường không nghiêm túc trong việc kiểm nghiệm trong nước. Nhiều đơn vị kiểm nghiệm dễ dãi ở khâu này, để hàng xuất cảng, qua đến nơi thì bị “chặn”. Điều này không chỉ thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp đó, với lô hàng đó. Mà ảnh hưởng chung đến cả ngành hàng và uy tín quốc gia.

Lúc thanh long Việt Nam bị cấm, chính hải quan ở nước bạn đã “mách nước” cho các DN Việt tìm đến Hoàn Vũ. Khi đó Hoàn Vũ đã có uy tín với tỉ lệ các lô hàng xuất cảng thành công gần như tuyệt đối. Tất nhiên tôi sẵn sàng gỡ khó cho thanh long Việt Nam. 

Cả trung tâm đã làm việc hết công suất, mục đích là chứng minh cho EU thấy thanh long Việt Nam an toàn. Chúng tôi cử người đi đến các kho thanh long của doanh nghiệp ở Bình Thuận, Ninh Thuận… lấy mẫu, thực hiện kiểm nghiệm đúng với quy trình của EU. Khi có kết quả an toàn gửi đi, EU lập tức xem xét lại. Cánh cửa lại mở ra.

Chỉ riêng ý nghĩ rằng sẽ làm EU gỡ lệnh cấm trong bối cảnh hàng trăm tấn hàng đang chờ xuất cảng cũng đã khá ngoạn mục rồi… 

Khi đã làm đúng, làm nghiêm túc, ta có thể tự tin gõ cửa. Không ngại thị trường khó tính, chỉ ngại mình làm không đúng. Đó là lý do mà tôi luôn giữ nguyên tắc khắt khe nhất với việc kiểm nghiệm tại Hoàn Vũ. Nhiều doanh nghiệp cần xuất hàng nên năn nỉ tôi “phiên phiến” một chút để cho kết quả kiểm nghiệm tốt. 

Nhưng tôi không thể. Tôi có thể chỉ cho các bạn biết các bạn thiếu chuẩn ở đâu, hướng dẫn các bạn làm sao cho đúng chuẩn. Còn một khi các bạn làm không đạt chuẩn, tôi không có cách nào giúp được. 

Bởi vai trò của Hoàn Vũ chỉ là minh bạch hóa chất lượng sản phẩm bằng máy móc, thông qua các con số rất rõ ràng và trung thực. Chúng tôi không tạo ra con số, chúng tôi chỉ giúp đọc được các con số ấy.

Đó cũng là cách mà chúng tôi có uy tín với khách hàng, đối tác toàn thế giới.

Nói đến đây chợt thấy công việc của anh có thể mô tả là “giải mã” chất lượng hàng hóa. Hàng hóa, thực phẩm, nước uống không tự nó biểu hiện được rằng nó có an toàn hay không. Và việc kiểm thử giúp đọc ra thứ ngôn ngữ đó…

Đúng vậy. Tôi có gần nửa thế kỷ gắn bó với công việc này. Với bản tính hay chiêm nghiệm, tôi thấy việc mình làm đơn giản chỉ là kiểm tra xem một vật có đúng là nó không.

Ồ, nghe như một triết lý.

(Cười) Quy về một cách hiểu đơn giản nhất như vậy, để thấy mọi sự dễ dãi đều phản bội công việc của mình. Khi đó, mọi việc làm đều trở nên phi lý. Bạn thử nghĩ, chúng ta quan niệm thực phẩm, nước uống là những thứ tốt lành nuôi dưỡng cơ thể. 

Việc nhiễm hóa chất khiến nó trở nên độc hại. Vậy nó đâu còn là nó. Việc kiểm thử sẽ chỉ ra một loại thực phẩm nào đó có nhiễm tạp chất quá mức cho phép không, vượt khỏi giới hạn đó, nó không còn là thực phẩm đúng nghĩa.

Cũng giống như với nông sản, mà có thể ví dụ ngay với mật ong. Các thị trường Âu Mỹ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này. Và vì mật ong là sản phẩm được dùng trực tiếp nên họ càng khắt khe về độ an toàn. 

Những vấn nạn “ong ăn đường”, ong nhiễm kháng sinh khiến mật ong không còn là nó nữa. Các đơn vị như Hoàn Vũ có trách nhiệm chỉ ra đâu là mật ong “thật” – tức là mật ong đúng nghĩa, không tạp nhiễm, biến chất. Đó cũng đơn giản là: kiểm tra xem một vật có đúng là nó không…

Và rồi tiến tới tìm hiểu lai lịch, gốc gác của một vật nữa? Anh có làm về truy xuất nguồn gốc không?

Có chứ. Tôi đang thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc nguyên liệu vải cho các đối tác lớn trên thế giới. Việc truy xuất nguồn gốc rất thú vị, nó không giống với việc “gắn nhãn” nguồn gốc như ở ta đang hiểu. 

Ở Việt Nam, các bạn hiểu việc thực hiện truy xuất nguồn gốc bắt đầu từ việc cài thông tin vùng trồng, để khi quét mã thì hiện ra thông tin về vùng trồng đó.

Nhưng bản chất truy xuất nguồn gốc khách quan và thú vị hơn nhiều. Ta hoàn toàn dùng công nghệ để phân tích thuộc tính của sản phẩm, giải mã chi tiết bằng các con số. Rồi từ đó, đối chiếu xem thuộc tính đó tương ứng với vùng trồng nào. 

Ví dụ, cùng là vải sợi cotton nhưng cotton trồng ở Việt Nam, với khí hậu, nắng, gió ở Việt Nam thì sẽ có thuộc tính khác với cotton trồng ở Trung Quốc. Các con số chênh lệch kể với ta rằng nó đến từ đâu, đôi khi là cả câu chuyện nó được thu hoạch bằng cách nào, sơ chế ra sao… Đó là truy xuất nguồn gốc thực sự.

 

 

Còn với những thứ ở ngay trong nước ta thì sao? Anh có khát vọng giúp người Việt ăn sạch, hay nói rộng hơn là được sống trong môi trường an toàn. 

Bản thân anh cũng đã trở về sống trong bầu khí quyển của người Việt. “Cỗ máy” anh đang nắm giữ có thể làm được điều gì cho an toàn thực phẩm ở nơi này?

Việc thanh lọc môi trường sống cần nhất là công nghệ. Khi đã có công nghệ rồi thì việc còn lại là ý chí con người thôi. Tôi từng chia sẻ với các chuyên gia trong ngành, thậm chí các lãnh đạo các cơ quan chức năng rằng tôi sẵn sàng tham gia vào việc cải thiện môi trường sống. 

Những máy móc tôi chuẩn bị ở Hoàn Vũ không chỉ là để phục vụ cho hàng hóa xuất cảng, mà còn vì nỗi ưu tư về an toàn thực phẩm của cộng đồng.

Bạn thử hình dung, CDC ở Mỹ có 70 máy khối phổ. Nếu có một vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn thành phố, họ có thể sử dụng 70 máy này hoạt động ngày đêm để phân tích mẫu, xác định nguồn ngộ độc. 

Trước lúc quay về Việt Nam, tôi đã tưởng tượng nếu chẳng may có một vụ tương tự ở Việt Nam, thì ta sẽ xoay xở thế nào. Và hình dung đó khiến tôi rùng mình. Khi làm Hoàn Vũ, tôi âm thầm trang bị dần. Hiện, Hoàn Vũ có 20 máy khối phổ. Nếu cần, 20 chiếc máy này sẽ vào cuộc để cùng địa phương xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm trong cộng đồng.

Là một nhà khoa học chế tạo máy, lại trải nghiệm khá sâu trong ngành kiểm nghiệm tại Mỹ. Điều này đã đủ lý giải sự chú trọng của anh với công nghệ. Nhưng dường như, ở góc độ cá nhân của một nhà khoa học, công nghệ đã trở thành một công cụ giúp anh hóa giải các ưu tư và cả những hình dung, tưởng tượng về môi trường sống… 

Tôi cảm giác rằng chính khả năng tưởng tượng sẽ khiến một nhà khoa học về kiểm nghiệm đạt đến sự xuất sắc. Nó sẽ dẫn đường, để máy móc trở thành công cụ giải mã, lượng hóa những điều mà trí tưởng tượng đã dự phóng trước. Hay nói dễ hiểu hơn, nếu anh không tưởng tượng được những nguy cơ, máy móc cũng chẳng có gì để mà giải mã nữa…

(Cười) Đúng là công việc này cần sự tưởng tượng rất lớn. Ngay như việc kiểm tra các tiêu chuẩn nông sản, tưởng chừng chỉ cần kiểm tra đúng các chất như danh sách mà từng thị trường yêu cầu. 

Nhưng đôi khi, trực giác/trí tưởng tượng của người làm kiểm nghiệm sẽ giúp bạn nhận ra cần kiểm tra các khía cạnh khác, giúp doanh nghiệp lường trước các nguy cơ khác về chất lượng sản phẩm.

Trí tưởng tượng và công nghệ là hai người bạn tuyệt vời của người làm khoa học. Đương nhiên, bản chất và quán tính của người làm khoa học vốn luôn gắn với sự chính xác, với các bằng chứng cụ thể, nên cách họ tưởng tượng cũng khác. 

Ví dụ, một buổi sáng Sài Gòn mù sương, mọi người có thể thấy lãng mạn, thấy muốn làm thơ. Còn tôi lập tức… nhảy số ra có những yếu tố nào tạo nên sự mờ ảo đó. Và đây chính là lúc công nghệ cần xuất hiện. Tôi có những chiếc máy có thể đo được độ ô nhiễm và cả thành phần gây ô nhiễm trong không khí.

Ngay bây giờ, tôi có thể cầm chiếc máy ra đặt ở bất kỳ nơi đâu ở Thành phố và đo độ ô nhiễm. Kết quả hiển thị sẽ cho phép phân tích không khí ô nhiễm từ nguồn nào, từ đó ta phân tích được hoạt động nào đang gây ô nhiễm. Câu chuyện trở nên rõ ràng. Khi đó, nếu muốn kiểm soát chất lượng ô nhiễm trong không khí, chính quyền có thể điều tiết các hoạt động đang diễn ra ở Thành phố.

 

 

Trong câu chuyện vừa khoa học vừa lãng mạn này, ngoài việc… tưởng tượng, đọc phân tích, con người còn có thể tham gia vào việc gì, thưa anh?

Cần có vai trò rất lớn của con người chứ. Đó là vai trò quyết định. Như trong câu chuyện ô nhiễm không khí bên trên, khi máy móc đã giúp sức, cần có ý chí đủ mạnh của lãnh đạo địa phương để có sự thay đổi. Hay như trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta cứ nói mãi về việc quản lý canh tác, chăn nuôi… 

Nhưng theo tôi, nếu chính quyền quyết tâm thì hãy làm theo hướng ngược lại, là thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm ngay tại chợ, siêu thị. Và tiêu hủy, cấm bán, chế tài nghiêm túc với người bán thực phẩm không an toàn.

Nếu chính quyền quyết tâm, tôi sẵn sàng vào cuộc giúp sức trong việc kiểm nghiệm. Có thể báo trước 3 tháng, rằng Thành phố sẽ thực hiện chiến dịch kiểm nghiệm thực phẩm. 

Nếu ta làm đủ nghiêm, tự động thị trường sẽ thay đổi. Chính quyền chế tài người bán, người bán sẽ tạo áp lực lên nhà cung cấp, nhà cung cấp sẽ tạo áp lực lên người nuôi. Mọi thứ buộc phải thay đổi.

Vậy, bạn có thể thấy, công nghệ giúp sức, chỉ đường, nhưng người thực hiện vẫn phải là con người.

Hay nói riêng trong phòng lab thôi, ngoài việc phân tích, đọc kết quả, thì người vận hành máy móc cũng rất quan trọng.

Tôi chia sẻ câu chuyện mới đây thôi. Có một bạn là lãnh đạo một tập đoàn đa quốc gia ở Singapore thăm Hoàn Vũ. Bạn ấy rất bất ngờ vì phòng lab của tập đoàn bạn ấy ở Sing chỉ nhỏ bằng một nửa, nhưng mỗi năm đã tốn 1 triệu đô để bảo trì. 

Vậy, Hoàn Vũ phải tốn tối thiểu 2 triệu đô mỗi năm cho việc bảo trì. Tôi chia sẻ thật rằng doanh thu của Hoàn Vũ chỉ hơn 1 triệu đô. Vậy chúng tôi phải làm sao để có thể hoạt động, bảo trì, và cung cấp dịch vụ chất lượng cho người Việt với giá rẻ?

Đó là vì chính tôi là người đứng ra bảo trì. Hệ thống máy móc này sẽ không thể hoạt động được ở Việt Nam với mức phí dịch vụ rẻ như vậy. Nhưng Hoàn Vũ thì được, vì Hoàn Vũ không tốn chi phí bảo trì.

Tôi may mắn được lĩnh hội lĩnh vực này ở nơi tiên tiến bậc nhất thế giới. Và tôi có mặt ở đây bây giờ cùng với quyết tâm theo đuổi con đường này vì tôi biết, nếu không phải là tôi, sẽ khó có ai có thể làm được.

Khát vọng giúp người Việt ăn sạch đang đưa tôi vào một hành trình khá dài, có nhiều chuyện thú vị để chia sẻ. Hi vọng trong năm mới này tôi sẽ có tin vui để chia sẻ cùng bạn và độc giả của Nông thôn Việt!

Anh nhận ra mình tâm huyết với đất nước như vậy từ bao giờ? Xin hỏi một điều hơi riêng tư, tình yêu Việt Nam trong anh đã thế nào vào cái ngày anh quyết định ra đi, định cư ở Mỹ?

Nhiều năm trước, khi còn là một thanh niên ở Việt Nam, tôi có đón hai người bạn là Việt kiều Pháp lên thăm Đà Lạt. Họ là trí thức, lại sống tại một đất nước văn minh nên có cốt cách và tư duy rất hay và lạ. Cuộc gặp ấy làm tôi rung động. 

Lúc đó một luồng suy nghĩ đến với tôi, rằng mình cũng sẽ đi ra thế giới để một ngày quay về trong hình ảnh đẹp đẽ, tạo ra những giá trị mới mẻ cho đất nước. 

Cũng lạ. Đó chỉ là một cuộc gặp bình thường, ấn tượng của tôi về những người bạn Việt kiều khi ấy cũng chỉ từ những giao tiếp trong chuyến đi. Vậy nhưng nó thổi vào tôi niềm tin và nguồn cảm hứng “đi ra thế giới” cùng hình ảnh trở về, đẹp đẽ và bản lĩnh. 

Và tôi đã đi đúng lộ trình ấy. Tôi tự do tài chính từ lâu. Cuộc sống riêng không có mưu cầu gì lớn lao. Bây giờ, động lực khiến tôi cố gắng là ý muốn đóng góp cho Việt Nam từ chính những gì mình may mắn có được suốt hành trình thiên di. 

Cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/emagazine/gap-nguoi-bao-chung-cho-nong-san-viet-thang-tien-eu.ngn