“Người gác cổng” công nghệ cao cho nông sản Việt Nam đi các thị trường khó tính

Trung bình, Việt Nam xuất đi khoảng 50.000 tấn mật ong/năm. Với các kỹ thuật kiểm nghiệm công nghệ cao như đồng vị và máy khối phổ độ phân giải cao chính xác đến 5 con số lẻ và công nghệ tìm kiếm “dấu ấn đường - sugar maker”, Trung tâm Phân tích Công nghệ Cao Hoàn Vũ (Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ) không chỉ giúp các nhà nuôi ong Việt Nam kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm mà còn xác thực và truy xuất nguồn gốc.

“Vết đường lạ”
Nhiều năm về trước, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu số lượng lớn mật ong cho thị trường Châu Âu (EU) như Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... Tuy nhiên đến năm 2007, mật ong Việt Nam bị cấm nhập do không đạt yêu cầu và không tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Henry Bùi bên máy Sắc ký lỏng độ phân giải cao.


Theo ông Bùi Xuân Hoàng Henry (Henry Bùi), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng. Hàng rào kỹ thuật của các nước ngày càng được nâng cao và khắt khe hơn vì sức khỏe của người tiêu dùng. Trong khi đó, mật ong Việt Nam sang thị trường này gặp khá nhiều hạn chế vì các yếu tố chất lượng như nấm men, dư lượng các thức ăn bổ sung cho ong không đúng cách, dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, màu sắc... 

Những mẫu được gửi về trong ngày để kiểm tra chất lượng cho trong nước và ngoài nước xuất cảng.


“Không chỉ giúp xác định thành phần vi sinh, thành phần hữu cơ, quản lý chất lượng sản phẩm, Trung tâm Phân tích Hoàn Vũ (Hoan Vu Laboratory) còn giúp xác thực truy xuất nguồn gốc, xuất xứ như con ong ăn gì... Nhờ đó, mật ong của Việt Nam đủ các chứng từ chuẩn để xuất khẩu ra thế giới”, ông Henry Bùi cho biết. 
Không chỉ vậy, thời gian gần đây, mật ong còn bị nhiều nơi làm “siêu giả”, tiến hành trộn đường vào mật. 
“Thông thường, việc đánh giá chất lượng mật ong (có trộn đường, tỷ lệ trộn) căn cứ theo tỷ lệ saccarose có trong mẫu. Nhưng nếu trộn đường corn syrup (thành phần chủ yếu là glucose và fructose), cách đánh giá này lại không đúng. Năm 2020,  chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng các “dấu ấn đường - sugar maker”, chính xác đến 5 con số lẻ, tách ra được hơn 3.000 chất khác nhau. Đây cũng là lý do giúp các kết quả phân tích mật ong của Hoàn Vũ được các thị trường Châu Âu và Mỹ chấp nhận. 100% mật ong Việt Nam xuất khẩu vào hai thị trường khó tính này là do Hoàn Vũ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng. Hoàn Vũ trở thành một dịch vụ “trọn gói” xác thực mật ong trước khi xuất cảng”, ông Henry Bùi giải thích thêm. 

Những mẫu mật ong của Brazil gởi về Hoàn Vũ để lấy giấy chứng nhận chất lượng cho xuất cảng.

Nông sản không rõ nguồn gốc không còn là mối lo
Ngày nay, nông sản không rõ nguồn gốc đang là mối lo của nhiều người, bởi ngoài chuyện không đảm bảo chất lượng, còn có thể gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Henry Bùi cho biết, riêng về xuất xứ, dù xuất phát điểm có cùng một nguồn giống, nhưng nông sản nuôi trồng ở các địa phương khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau, do khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu. Đó là chưa kể tình trạng hàng giả, hàng nhái lẫn lộn, rất khó kiểm soát bằng mắt thường.
“Thực trạng kể trên đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động phân tích thành phần dinh dưỡng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, cũng như làm rõ về quá trình nuôi trồng, chế biến, giúp người tiêu dùng trong nước an tâm tiêu thụ, cũng như mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản vào những thị trường quốc tế khó tính”, ông Henry Bùi cho biết. 
Hiện nay, Hoan Vu Laboratory được sự khẳng định và nhiều cơ quan quản lý nhà nước chỉ định thực hiện các phân tích xác thực như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
Ngoài ra, Hoàn Vũ còn thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản, hải sản; phân tích công - nông nghiệp, môi trường, y dược... Các công nghệ kiểm định và xác thực hiện đại như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng tầm uy tín do giảm tối đa tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu bị trả lại.

Khách hàng mật ong Mỹ thăm phòng Hoan Vu Laboratory.

Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ thuộc Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ do ông Bùi Xuân Hoàng (Henry Bùi) thành lập vào tháng 4/2007. TS. Henry Bùi từng là một kỹ sư với kinh nghiệm 30 năm làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Mỹ đặt tại Đại học Stanford, Thermo Scientific và Agilent. 
Ông Henry Bùi, Trưởng nhóm kỹ sư tại Hoan Vu Laboratory, đã giúp xác thực hầu hết hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt là mật ong, thanh long. 
Phòng thí nghiệm được trang bị hơn 20 máy sắc ký khối phổ do ông Bùi Xuân Hoàng, Việt kiều Mỹ, đầu tư từ năm 2007. Đến năm 2014, ông chính thức rời Mỹ về Việt Nam để trực tiếp vận hành, phát triển phòng thí nghiệm. 
Sau khi rời khỏi Phòng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ, đặt tại Trường Đại học Stanford (Stanford Linear Accelerator Center), ông Bùi Xuân Hoàng đã đưa về Việt Nam những kỹ thuật công nghệ cao, phân tích nguyên tố ghép khối phổ tỷ lệ đồng vị… Ông hy vọng dùng các công nghệ kiểm định này giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa Việt Nam đạt chuẩn để xuất khẩu khắp thế giới…

 

Hoàn Vũ tham gia hội chợ mật ong thế giới ở Canada.

“Health Certificate” - Giấy chứng nhận cho thanh long vào thị trường Châu Âu
Phòng Lab Hoàn Vũ là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong công nghệ phân tích tỷ lệ đồng vị carbon và tỷ lệ đồng vị nitơ để xác định độ nguyên chất và nguồn gốc của sản phẩm.
Không chỉ riêng mật ong, thông qua quá trình phân tích tỷ lệ đồng vị bền (carbon, nitrogen, sulfur, oxygen, hydrogen) trong các loại nông sản và thực phẩm, Hoan Vu Laboratory có thể phát hiện được nhiều trường hợp gian lận thực phẩm. Cụ thể như pha trộn đường, nước, acid citric vào dịch trái cây, pha trộn dầu rẻ tiền vào dầu olive, pha loãng hoặc tăng độ ngọt vào nước ép trái cây, xác định nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho thịt cá, sữa, nông sản... 

Sắc ký khối phổ MS- MS.


“Vì thế, chúng tôi đã đưa ra giải pháp truy xuất nguồn gốc này giúp doanh nghiệp chứng minh được chất lượng sản phẩm, xác thực và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ quy trình chế biến sản phẩm để có các biện pháp can thiệp kịp thời khi cần. 
Ví dụ, khi một doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm hữu cơ cần biết được đối tác cung cấp phân bón hữu cơ cho họ có đúng như cam kết hợp đồng hay không, chúng tôi có thể đưa ra giải pháp truy xuất nguồn gốc cho họ dùng chỉ số đồng vị đặc hiệu sẽ cho biết rau, củ, quả dùng phân hữu cơ hay pha trộn phân vô cơ trong quá trình canh tác”, ông Henry Bùi cho biết. 
Châu Âu cho tất cả các loại trái cây Việt Nam nhập vào họ, tuy nhiên họ đưa ra những tiêu chuẩn, quy định rất ngặt nghèo. Những tháng cuối năm 2018, Châu Âu liên tiếp phát hiện thanh long Việt Nam chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều nên đã cấm thanh long Việt Nam vào thị trường này. 
Thời điểm đó, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) đang lấy ý kiến của các nước thành viên về việc ban hành Quy định kiểm tra tăng cường đối với một số loại nông sản nhập khẩu vào EU. 

Máy sắc ký độ phân giải cao.


“Khi đó, Hoàn Vũ đã có những giải pháp kỹ thuật, giúp gỡ rối cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Hoàn Vũ sử dụng nhiều loại máy khối phổ cùng các phương pháp phân tích vi sinh - dinh dưỡng để xác nhận nguồn gốc sản phẩm, truy tìm xuất xứ, phân tích vi lượng kháng sinh và độc tố, phân tích hàm lượng chất bảo quản, phân tích hàm lượng kim loại...”, ông Henry Bùi nhấn mạnh. 
Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, Hoàn Vũ phân tích, cấp chứng nhận “Health Certificate”, đóng nhãn cho khoảng 2.700 lô thanh long Việt Nam đến 27 quốc gia khác nhau, chủ yếu là EU. 
Hiện các lô hàng thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm tra 20% lô hàng. Khi hàng cập cảng, EU sẽ tiếp tục tái kiểm tra 20% tổng lô hàng. Tỷ lệ hàng bị từ chối cũng có khả năng tăng cao vì các nước EU có thiết bị kiểm nghiệm hiện đại. Tuy nhiên, Hoàn Vũ tự tin cho biết, với 20% các lô hàng kiểm lại này, gần như đạt chuẩn 100%. 

 

Máy sắc ký đồng vị bền.

 

 

Nhờ công nghệ đồng vị bền và hệ thống máy đo công nghệ cao, hiện nay, Hoan Vu Laboratory nhận được yêu cầu xác thực mật ong cũng như nhiều loại hàng hóa khác trước khi xuất khẩu không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước mà còn đến từ các quốc gia trên thế giới để xuất khẩu, như: Brazil, Argentina, Turkey, Ukraine, Thailand, USA... 
“Nhiều quốc gia gửi mẫu qua phòng lab này tại Việt Nam để kiểm định xác thực trước khi xuất khẩu đi khắp thế giới, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe như: Mỹ, Đức, Anh, EU, Nhật Bản... Hoan Vu Laboratory tại Việt Nam, nơi có những chiếc máy đo đồng vị và máy khối phổ độ phân giải cao công nghệ cao, cả thế giới chỉ có 4 nơi và Đông Nam Á chỉ có một”, ông Henry Bùi tự hào chia sẻ. 

 

Máy sắc ký lỏng.